Chủng loại và cách sử dụng mỡ bôi trơn

Người dùng ôtô xe máy rất quan tâm đến nhiên liệu và dầu máy, nhưng ít ai chú ý đến mỡ bôi trơn. Tổng lượng mỡ sử dụng trong xe máy chỉ khoảng 200-300 gr, còn với xe hơi thì từ 4-5 kg, nhưng nếu dùng thiếu hoặc sai chủng loại mỡ thì tai hại vô cùng đối với máy móc.

Công dụng chính của hóa chất này là bôi trơn những bề mặt ma sát (đặc biệt với tốc độ thấp và chịu tải lớn) có kết cấu hở không giữ được dầu như trục bánh xe, cổ phuốc, trục láp, khớp các-đăng, rô-tuyn tay lái... Ngoài ra chúng còn có tác dụng bảo quản và bao kín. Mỡ có nhiều loại, khác nhau về màu sắc, độ cứng và bám dính do thế mà giá cả cũng tùy theo chủng loại.
 
Mỡ bôi trơn nói chung là hỗn hợp dầu khoáng hoặc dầu tổng hợp với 6-25% chất làm đặc (gốc xà phòng vô cơ hoặc hữu cơ) có dạng mềm nhão và độ bám dính cao trên bề mặt kim loại. Tính chất của mỡ quyết định bởi các tiêu chuẩn cơ, lý, hóa như: độ nhỏ giọt, độ ăn mòn kim loại, độ tách dầu và đặc biệt là độ lún kim (đánh giá độ mềm).

Các nhà sản xuất thường phân loại mỡ bằng độ lún kim NLGI (National Lubricating Grease Institute). Trên thị trường hiện nay phổ biến nhất các loại mỡ từ số 0, 1, 2, 3,4. Trong đó, số ký hiệu càng lớn thì độ lún kim càng nhỏ. Loại 4 là loại mỡ rắn nhất trong các loại trên còn loại 0 là là loại loãng nhất (gần như dầu). Ký hiệu mỡ hoặc độ lún kim thường được ghi ngay trên bao gói, nhãn hàng hóa, ví dụ mỡ chịu nhiệt CALILUBE L3…
Những điều kiện làm việc của bề mặt cần bôi trơn chính là tiêu chuẩn để chọn loại mỡ tương ứng, đó là: tải trọng, nhiệt độ, mức bao kín, độ ẩm vùng làm việc, tình trạng tiếp xúc với nước... 3 loại mỡ ký hiệu 1-2-3 thường dùng cho ôtô, xe máy.

 

Các loại trục máy bơm nước, gối đỡ giảm xóc, các-đăng có vú bơm mỡ nên chọn loại số 0 hoặc số 1 (đủ nhão để bơm được), trục bánh xe máy, cổ phuốc, rô-tuyn tay lái thường dùng mỡ số 2, trục láp ôtô số 2 hoặc 3. Khác biệt căn bản của mỡ với dầu bôi trơn là thời gian hoạt động của chúng rất dài, chỉ cần tiến hành thay hoặc bơm thêm mỡ vào các định kỳ bảo dưỡng. Ví dụ, xe máy cần được thay hoặc thêm mỡ khi chạy được 12.000-15.000 km, ôtô sau 100.000-150.000 km.

                                       

 

                                             

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: